LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA VG VIRUS VI B

 

TÓM TẮT
Quá trình tự nhiên của nhiễm HBV mạn mắc phải lúc chu sinh thường có 3 giai đoạn theo thứ tự thời gian: (1) giai đoạn dung nạp miễn dịch, (2) giai đoạn thanh thải miễn dịch, (3) giai đoạn bất hoạt hoặc tồn dư. Tuy nhiên, khi nhiễm HBV mạn ở người lớn thường không có giai đoạn dung nạp ban đầu rõ ràng. Chuyển huyết thanh HBeAg thường báo hiệu chuyển tiếp từ giai đoạn nhiễm HBV hoạt động sang giai đoạn bất hoạt với nồng độ ALT bình thường và hồi phục VG. Sau thời kỳ hồi phục kéo dài, thanh thải HBsAg tự nhiên có thể xảy ra và được cho là có tiên lượng tuyệt vời. Mặt khác, HBV có thể tái hoạt và kích hoạt các tổn thương gan qua trung gian miễn dịch với tỷ lệ 2-3% mỗi năm và thường trong 10 năm đầu sau chuyển huyết thanh HBeAg. Nồng độ HBV DNA cao và hoạt tính bệnh là các yếu tố dẫn đến các kết cục lâm sàng xấu như mất bù gan, xơ gan, UTTBG và tử vong liên quan đến gan. Giảm sao chép HBV kéo dài trước giai đoạn khởi phát xơ gan được cho là một kết cục thuận lợi.
1.  MỞ ĐẦU
Lịch sử tự nhiên của nhiễm HBV mạn được xác định qua tương tác giữa sao chép virus và đáp ứng miễn dịch ký chủ. Các yếu tố khác có thể giữ vai trò trong tiến triển của bệnh gan liên quan đến HBV bao gồm giới tính, tình trạng nghiện rượu và nhiễm đồng thời các virus VG khác (2).
Nhiễm HBV mạn thường có 2 giai đoạn: một giai đoạn sao chép ban đầu với bệnh gan hoạt động và giai đoạn sau đó có tình trạng sao chép thấp và hồi phục bệnh gan. Ở NB nhiễm HBV chu sinh, có thêm một giai đoạn được gọi là dung nạp miễn với tình trạng sao chép virus mà không gây bệnh gan hoạt động. Trong một số NB, sao chép HBV còn có giai đoạn tái hoạt xảy ra sau một khoảng thời gian yên lặng(2). Có 2 kiểu nhiễm HBV(1):
Nhiễm HBV mắc phải thời kỳ chu sinh hoặc trong độ tuổi ấu thơ: Có 3 giai đoạn: dung nạp miễn dịch, thanh thải miễn dịch và giai đoạn tồn dư bất hoạt.
Nhiễm HBV mạn mắc phải ở người lớn: Thường không có giai đoạn dung nạp miễn dịch (hoặc có rất ngắn). Quá trình lâm sàng cũng giống như các NB mắc phải vào thời kỳ chu sinh.
Có một nhóm nhỏ người mang HBV bất hoạt có thể tái hoạt và kích hoạt các tổn thương gan qua trung gian miễn dịch. Giai đoạn tái hoạt được xem như một biến thể của giai đoạn thanh thải miễn dịch(1).

2. CÁC BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
Nhiễm HBV mạn là một tình trạng động bao gồm các tương tác giữa virus, tế bào gan ký chủ và đáp ứng miễn dịch. Qua đó, các biểu hiện lâm sàng của nhiễm HBV mạn khá phức tạp và hay thay đổi(1):

  • Ở các vùng có tần suất thấp và trung bình, 30%-50% NB nhiễm HBV mạn có VG B cấp.
  • Nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ NB nhiễm HBV mạn ở các vùng tần suất cao bị VG cấp.

NB thường được xác định là người nhiễm HBV một cách tình cờ trong lúc cho máu, lúc kiểm tra sức khỏe, sàng lọc thường qui và một số ít trường hợp do các triệu chứng thực thể không đặc hiệu. Các NB khác đến khám như là NB HBsAg(+) với VG cấp có IgM anti-HBc(-), họ được gọi là “người mang HBsAg không được nhận biết có bùng phát VG cấp hoặc chồng lên các dạng VG khác”. Về đánh giá ban đầu, NG bị nhiễm HBV mạn có thể đến khám với một trong 4 bộ sinh hóa và huyết thanh sau đây(1):

  1. HBeAg(+) với nồng độ ALT bình thường.
  2. HBeAg(+) với nồng độ ALT bất thường.
  3. HBeAg(-), anti-HBe(+) với nồng độ ALT bình thường.
  4. HBeAg(-), anti-HBe(+) với nồng độ ALT bất thường.

Bổn kiểu này thực ra tiêu biểu cho các giai đoạn khác nhau ở người nhiễm HBV mạn.
3. CÁC GIAI ĐOẠN NHIỄM HBV MẠN
Các giai đoạn này còn phân chia tùy theo tác giả. Thông thường nhiễm HBV mạn được chia làm 4 giai đoạn: dung nạp miễn dịch, thảnh thải miễn dịch, bất hoạt và tái hoạt. Nhưng cũng có tác giả lại chia các giai đoạn như sau: dung nạp miễn dịch, hoạt động miễn dịch, chuyển huyết thanh HBeAg và hồi phục với việc thanh thải HBsAg(3). Nhưng không cần thiết phải đi qua cả 4 giai đoạn này. Giai đoạn tái hoạt hiện được xem là thể lâm sàng của giai đoạn thanh thải miễn dịch (hay hoạt động miễn dịch), giai đoạn dung nạp miễn dịch không xảy ra (hoặc chỉ xảy ra một thời gian ngắn sau khi nhiễm HBV. Các NB bị xơ gan và UTTBG hiển nhiên rất khó đi qua giai đoạn hồi phục!
3.1 Giai đoạn dung nạp miễn dịch
Giai đoạn đầu của nhiễm HBV mạn có đặc điểm(hình 1)(1,2):
+ Có sự hiện diện của HBeAg huyết thanh
+ HBsAg, HBV DNA huyết thanh có nồng độ rất cao 4.5-5.0 log10 IU/ml và 8-10 log10 IU/ml
+ Nồng độ ALT bình thường
+ Có kháng nguyên lõi HBV (HBcAg) biểu hiện lan tỏa và tập trung ở nhân
+ Các biến đổi mô học tối thiểu hoặc bình thường → có ít hoặc không có tiến triển bệnh: Hai nghiên cứu cho thấy 30-50% NB có giai đoạn xơ hóa 0, trong khi các NB khác ở giai đoạn 1 nhưng không tiến triển trên hình ảnh mô học gan sau 5 năm.

Không có bệnh gan, mặc dù mức độ sao chép HBV cao, do hậu quả của dung nạp miễn dịch đối với HBV. Dù virion HBV không xuyên qua nhau, nhưng HBeAg có thể qua được. HBeAg mẹ đi qua lá nhau gây nên tình trạng không đáp ứng đặc hiệu của tế bào T giúp đỡ (Th) ở trẻ sơ sinh. Vì HBeAg và HBcAg có phản ứng chéo khá cao, sự loại bỏ đáp ứng của tế bào T giúp đỡ đối với HBeAg làm cho đáp ứng tế bào lympho T gây độc tế bào với HBcAg không hiệu quả(1). Đây cũng là lý do được quy cho tình trạng đáp ứng kém đối với interferon ở người châu Á trong giai đoạn dung nạp miễn dịch với ALT bình thường(2).

Một khi đã nhiễm virus mạn, HBV DNA tăng rất cao và bài tiết tiếp tục HBeAg (chất tạo dung nạp, tolerogen) cần để duy trì tình trạng dung nạp. Cộng đồng virus trong giai đoạn dung nạp miễn dịch thường bao gồm HBV có HBeAg(+)  hầu hết là thể hoang dại. Thể đột biến HBV HBeAg(-) không có hoặc có một ít(1).

Giai đoạn dung nạp miễn dịch thường kéo dài từ 10 đến 30 năm với rất ít trường hợp NB thanh thải HBeAg tự nhiên. Các nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy đến 5 tuổi, HBeAg(+) chiếm 90%, đến >20 tuổi tỷ lệ này chiếm 80%. Thanh thải HBeAg tự nhiên khoảng 2% trong 3 năm đầu và chỉ 15% sau 20 năm nhiễm HBV(2).

Trên cơ sở các quan sát, quá trình tự nhiên của nhiễm HBV chu sinh có thể được chia làm 3 giai đoạn, khác với nhiễm HBV mắc phải vào tuổi trưởng thành, thường không có giai đoạn dung nạp ban đầu. Các đặc trưng lâm sàng và huyết thanh học của quá trình tự nhiên nhiễm HBV mạn chu sinh được tóm tắc ở bảng 1(4).

Bảng 1. Quá trình tự nhiên của nhiễm HBV mạn chu sinh(4).
_____________________________________________________________________________

                            Dung nạp miễn dịch      Thanh thải miễn dịch           Sao chép thấp
_____________________________________________________________________________

Tuổi tính theo năm      < 15                             15-35                                       > 35
HBsAg                         +                                  +                                              +
HBeAg                         +                                  +                                              –
Anti-HBe                      –                                   –                                               +
HBV DNA                    + (cao)                         + (trung bình)                           –
HBV DNA/PCR           +                                  +                                              +
ALT huyết thanh         bình thường                 cao                                           bình thường
Viêm gan                     Tối thiểu                      Có                                            Tối thiểu
HBcAg trong gan         + (nhân)                       + (tế bào chất)                          –
____________________________________________________________________________

3.2 Giai đoạn thanh thải miễn dịch

VGB 1(17-06)

*Chỉ số xơ hóa gan Ishak: 0, không xơ; 1. Lan tỏa xơ ở một vài khoảng cửa vách xơ ngắn; 2. Lan tỏa xơ ở đa số khoảng cửa  đôi khi có bắc cầu cửa-cửa; 4. Lamivudine tỏa xơ ở các khoảng cửa, cũng như bắc cầu từ của đến trung tâm; Bắc cầu đáng kể, đội khi có nốt; 6. Xơ gan.
Hình 1. Lịch sử tự nhiên của nhiễm VG B mạn mắc phải chu sinh và trong thời kỳ thơ ấu(1).

Trong giai đoạn hoạt động miễn dịch, nồng độ HBV DNA giảm và tăng đáp ứng miễn dịch, kèm theo tăng ALT và tình trạng VG. Thời kỳ này được cho có gia tăng miễn dịch HBV mắc phải và bẩm sinh, dẫn đến ly giải tế bào gan, khi đỉnh của đáp ứng miễn dịch xảy ra đồng thời với sự gia tăng ALT. Ở người lớn, đây thường là thời kỳ VG B cấp có triệu chứng có thể kéo dài nhiều thập kỷ nếu phản ứng miễn dịch không đủ mạnh để thanh thải virus(3).    Chuyển tiếp từ dung nạp sang thanh thải miễn dịch thường xảy ra khoảng 20-40 tuổi, nhưng đôi khi sớm hơn và ngay cả lúc còn thơ ấu. Các cơ chế làm mất tình trạng dung nạp miễn dịch trong nhiễm HBV mạn chưa được biết nhiều. Người ta biết rằng giai đoạn dung nạp miễn dịch theo sau bởi một sự thay đổi về phân bố trong gan của HBcAg từ định vị trong nhân ra bào tương cho thấy nó có thể được kích hoạt do thay đổi trong sự trình diện kháng nguyên virus(1).

Chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên có tốc độ hàng năm từ 10 đến 20%. Nghiên cứu ở Alaska, chuyển huyết thanh lên đến 70% sau 10 năm theo dõi, kiểu gen B chuyển huyết thanh nhiều hơn kiểu gen C(2).

Trong giai đoạn này, NB còn HBeAg dương nhưng ALT bất thường. Sinh thiết gan cho thấy hoạt động mô học tăng lên và giảm biểu hiện HBcAg trong nhân nhưng tăng biểu hiện HBcAg trong bào tương. Các thay đổi này cùng với giảm HBV DNA xuống còn 6-8 log10 IU/ml và HBsAg còn 3-4.5 log10 IU/ml, tích tụ HBV kiểu đột biến HBeAg(-) và giảm bài tiết HBeAg(1).

Giai đoạn tái hoạt giống từng khía cạnh với giai đoạn thanh thải miễn dịch, trừ tình trạng HBeAg. Các sự kiện trong các giai đoạn này có thể dẫn đến mất bù gan(1).

3.2.1.VGB mạn HBeAg(+)
Trong giai đoạn thanh thải miễn dịch, đa số BN không có triệu chứng, ALT tăng nhẹ và trung bình, và được gọi là VG B mạn HBeAg(+)(1).

Quá trình lâm sàng: Thường được đánh dấu bằng bùng phát VG B cấp tự nhiên với ALT huyết thanh tăng >5 lần GHBTT. Các BN cũng có thể trình diện như một người mang HBsAg không được nhận biết trước đó với VG cấp trên lâm sàng, có HBeAg(+) nhưng IgM anti-HBc(-). ALT tăng và bùng phát VG cấp là hậu quả của đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào lympho T gây độc tế bào giới hạn kháng nguyên HLA lớp I chống lại kháng nguyên HBV và các cơ chế gây chết tế bào hàng loạt(1).

Nguyên nhân bùng phát VG cấp tự nhiên: Chưa rõ. Có thể do kiểm soát miễn dịch trong sao chép virus thay đổi nhẹ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bùng phát VG cấp thường theo sau một sự dâng lên đột ngột nồng độ HBV DNA và tăng đáp ứng tế bào T đối với HBcAg và HBeAg. Hậu quả của các thay đổi HBV DNA và ALT trong bùng phát cấp tự nhiên cũng gặp trong bùng phát VG cấp sau khi can thiệp điều trị bằng corticoid hoặc hóa trị ung thư(1).

Mô học: Mô học của VG tiểu thùy tương tự với VG cấp, ngay cả với hoại tử gan bắc cầu, thường được quan sát trong các bùng phát này. IgM anti-HBc cũng có thể xuất hiện ở một số BN trong bùng phát VG cấp, nhưng thường có nồng độ thấp hơn VGB cấp(1).

Tỷ lệ mắc bùng phát VG cấp trong giai đoạn thanh thải miễn dịch: Thay đổi giữa các nhóm BN khác nhau. Trong các nghiên cứu theo số liệu nằm viện(1):

  • Tỷ lệ bùng phát ALT cấp >5 x GHBTT khoảng 25% mỗi năm trong 3-5 năm đầu.
  • Chỉ có khoảng 20-40% bùng phát cấp có các đợt có triệu chứng VG cấp và,
  • 3-5% bùng phát cấp có biến chứng mất bù gan.

3.2.2. Chuyển huyết thanh HBeAg thành anti-HBe

Giai đoạn thanh thải miễn dịch có thời khoảng khá thay đổi và thường kéo dài nhiều năm cho đến khi chuyển huyết thanh HBeAg. Chuyển huyết thanh HBeAg thường báo trước bởi ALT tăng và HBV DNA giảm, sau đó HBV DNA giảm nhiều cho đến khi chỉ được phát hiện bằng PCR (<2 × 103–4 IU/mL), ALT bình thường và hoại tử viêm gan hồi phục. Tuy nhiên, ALT bất thường và HBV DNA >2 × 104 IU/mL tồn tại vào lúc chuyển huyết thanh HBeAg trong 5% BN. Các BN này tiến triển trực tiếp từ VG B mạn HBeAg(+)  đến VG B mạn HBeAg(-)(1).  

3.2.2.1 Yếu tố ảnh hưởng đến chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên và thanh thải HBsAg:
Chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên khoảng 10% mỗi năm, phụ thuộc vào các yếu tố: vùng địa lý, giống dân, kiểu truyền bệnh, tuổi, nồng độ ALT, hoạt tính mô học và kiểu gen HBV(1).

  • Tuổi: Các nghiên cứu từ Đài Loan đã chứng minh chuyển huyết thanh HBeAg xảy ra
  • vào tuổi trung vị 32 (26-36), với phần lớn các trường hợp (90%) xảy ra trước 40 tuổi. Tần suất HBeAg huyết thanh cũng giảm đáng kể từ 85% ở người mang virus là trẻ em (<15 tuổi) đến 5-10% ở người lớn mang virus >40 tuổi. Các phát hiện này cho thấy chuyển huyết thanh HBeAg thường xảy ra giữa tuổi 15 và 40 ở các BN nhiễm HBV mạn mắc phải trong thời chu sinh. Sự tồn tại HBeAg ở người >40 tuổi hiếm gặp và được xem là chuyển huyết thanh HBeAg “muộn”. Chuyển huyết thanh HBeAg khá cao ở trẻ em không thuộc sắc dân châu Á và truyền nhiểm HBV theo chiều ngang hơn là trẻ châu Á truyền nhiểm theo chiều dọc(1).
  • Kiểu gen (B so với C, A so với D): Các BN nhiễm HBV kiểu gen B, chuyển huyết thanh sớm và thường hơn kiểu gen C. Chuyển huyết thanh HBeAg thường báo trước bởi bùng phát cấp ở BN có kiểu gen C hơn kiểu gen B, cho thấy ly giải tế bào gan qua trung gian miễn dịch mạnh hơn để chuyển huyết thanh HBeAg ở BN nhiễm kiểu gen C(1).
    • Ở người gốc Alaska, chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên tương tự ở các BN có kiểu gen A, B, D hoặc F nhưng thấp hơn ở người nhiễm kiểu gen C; tuổi trung vị của thanh thải HBeAg là <20 ở BN có kiểu gen A, B, D và F nhưng >40 tuổi ở BN có kiểu gen C.
    • Trong một nghiên cứu cộng đồng bao gồm 439 BN HBeAg(+), người >30 tuổi, phụ nữ và có kiểu gen B (so với C), đột biến tiền lõi G1896A, nồng độ ALT ban đầu cao và HBV DNA thấp hơn là các yếu tố độc lập liên quan đến thanh thải HBeAg huyết thanh.

3.2.2.2. Tình trạng miễn dịch  

Nồng độ ALT ban đầu: Khả năng chuyển huyết thanh HBeAg tỷ lệ thuận với nồng độ ALT ban đẩu. Tỷ chuyển huyết thanh HBeAg vào 18 tháng theo dõi lần lượt là 0%, 8%, 17% và 50-70%, nếu nồng độ ALT ban đầu là <1; 1-2.5; 2,5-5 và ≥5 lần GHBTT(1).

Nồng độ ALT: Ở các BN bùng phát cấp, 72% trải qua thanh thải HBeAg huyết thanh trong vòng 3 tháng nếu nồng độ AFP tăng lên >100 ng/ml và chỉ 18% nếu AFP <100 ng/ml(1).

Hoạt tính mô học gan: Xác suất cộng dồn 5 năm của chuyển huyết thanh HBeAg lần lượt là <25% và >65%, ở các BN có VG cấp nhẹ và hoạt động hơn. Thanh thải HBeAg huyết thanh có thể xảy ra trong vòng 3 tháng trong 2/3 BN có ly giải tế bào gan lan tỏa hơn như hoại tử gan bắc cầu(1)

3.2.3.Sự tồn tại HBeAg và kết cục của nó
Trong một số BN, giai đoạn thanh thải miễn dịch có thể kéo dài trong nhiều năm mà không thấy chuyển huyết thanh HBeAg(1):

  • Một nghiên cứu thuần tập gần đây từ Đài Loan cho thấy nguy cơ tiến triển đến xơ gan tăng lên theo tuổi chuyển huyết thanh HBeAg. Các BN còn HBeAg(+) sau 40 tuổi có nguy cơ tiến triển đến xơ gan tăng đáng kể so với các BN chuyển huyết thanh HBeAg sớm hơn(1).
  • Một nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ mắc hàng năm xơ gan và UTTBG cao hơn (lần lượt là 3,7% và 1,6%) ở 147 BN có HBeAg tồn tại, so với 1,8% và 0,4% ở các BN trải qua chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên trong một thời khoảng theo dõi 7 năm(1).
  • Một nghiên cứu ở Đức với 53 BN HBeAg(+) không được điều trị VGB mạn: mất bù
  • gan hoặc tử vong liên quan đến gan xảy ra nhiều và tỷ lệ sống ngắn hơn ở NB có HBeAg tồn tại so với NB chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên trong thời gian theo dõi 38,5 tháng(1).
  • Một nghiên cứu từ Ý: Tỷ lệ xơ gan cao và đời sống ngắn hơn ở BN HBeAg(+) tồn tại(1).

 3.3. Giai đoạn bất hoạt (không sao chép, sao chép thấp)
Tình trạng chuyển huyết thanh HBeAg báo hiệu sự chuyển tiếp từ VGB hoạt động đến “tình trạng người mang HBsAg bất hoạt”. Tuy HBV DNA không phát hiện được bằng các xét nghiệm lai, HBV DNA lại được phát hiện bằng PCR ở các người mang bất hoạt này(1).

HBV DNA thấp hơn 2000 IU/ml, đã được xem như một ngưỡng cắt để phân biệt tình trạng người mang bất hoạt với VGB mạn HBeAg(-)(1). Nhưng:

  • Nghiên cứu ở Đài Loan: 19-26% người mang bất hoạt có ALT bình thường trong >10 năm và bệnh không tiến triển có HBV DNA từ 2.000-20.000 IU/ml, hiếm khi >20.000 IU/ml.
  • Một nghiên cứu trường hợp-bệnh chứng trong một thời khoảng trung vị 13.4 năm: HBV DNA duy trì <4.39 log10 bản sao/ml (<4.700 IU/ml) có liên quan với ALT bình thường và nguy cơ UTTBG giảm xuống.

Vì thế, xác định “tình trạng người mang bất hoạt” như là một người mang HBsAg không xơ gan HBeAg(-) có ALT bình thường kéo dài và HBV DNA <20.000 IU/ml là hợp lý(1).

Các nghiên cứu đã chứng minh HBV DNA huyết thanh và nồng độ HBsAg giảm và chậm dần sau chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên và đến 1.5-3 log10 IU/ml ở các BN có ALT bình thường kéo dài. Một nghiên cứu ở người mang HBsAg HBeAg(-)  nhiễm HBV kiểu gen D đã chứng minh kết hợp HBV DNA huyết thanh <2.000 IU/ml và HBsAg <1.000 IU/ml vào một thời điểm độc nhất có thể chẩn đoán đáng tin cậy là người mang HBsAg bất hoạt(1).  Trong giai đoạn bất hoạt(1):

  • BN thường không có triệu chứng và có ALT bình thường kéo dài.
  • Sinh thiết gan cho thấy hoạt tính hoại tử viêm không có hoặc nhẹ với các mức độ xơ hóa khá thay đổi, gồm cả xơ gan không hoạt động và không có HBcAg trong gan.

Đa số người mang HBsAg trong giai đoạn này cho thấy tình trạng VG thuyên giảm kéo dài và bất hoạt suốt đời, nhất là khi giai đoạn này đến sớm trong quá trình bệnh(1):

  • Các nghiên cứu ở Đài Loan với người mang HBsAg bất hoạt cho thấy tỷ lệ mắc xơ gan và UTTBG lần lượt là 0,2% và 0,1% mỗi năm và không người nào trong số này có ALT bình thường kéo dài quá thời kỳ theo dõi 12.6±5.0 năm chết vì bệnh gan.
  • Các BN chuyển huyết thanh HBeAg trước tuổi 30, tỷ lệ xơ gan và UTTBG cũng thấp hơn.

Tiên lượng người mang bất hoạt ở các khu vực có mức độ dịch tần suất thấp hoặc trung bình thì tốt hơn, có lẽ do thời khoảng nhiễm virus ngắn hơn(1).

  • Trong 317 người mang HBV không triệu chứng ở Montreal là người cho máu, đa số “khỏe mạnh” sau 16 năm theo dõi, chỉ có 3 NB chết do xơ gan liên quan đến HBV.
  • Một nghiên cứu ở Bắc Ý, không khác biệt về tỷ lệ sống được quan sát ở 296 người cho máu khỏe mạnh HBsAg(+)  và nhóm chứng gồm 157 NB không nhiễm HBV theo dõi >30 năm.     

Thanh thải huyết thanh HBsAg tự nhiên(1)
Trong giai đoạn bất hoạt hoặc tồn dư, nồng độ HBV có thể giảm dần, và ngay cả biến mất (thanh thải HBsAg huyết thanh) một cách tự nhiên:

  • Các nghiên cứu ngắn hạn cho thấy tỷ lệ thanh thải HBsAg huyết thanh tự nhiên là 1% đến 2% mỗi năm ở người mang người Caucasian trong các khu vực dịch địa phương thấp và ngay cả thấp hơn (∼0.8%) ở vùng dịch địa phương cao nơi mà nhiễm virus thường mắc phải vào thời kỳ chu sinh hoặc thời thơ ấu(1).
  • Một nghiên cứu gần đây theo dõi trung bình 11 năm ở 1965 người anti-HBe(+) không triệu chứng 16-76 tuổi (trung bình 34), tỷ lệ thanh thải huyết thanh hàng năm là 1,2%; tỷ lệ cao hơn ở những người >50 tuổi (1,8%). Tỷ lệ thanh thải HBsAg huyết thanh cộng dồn là 8% trong 10 năm, sau đó tỷ lệ  lệ này tăng lên không cân đối đến 25% sau 20 năm và 45% sau khi theo dõi 25 năm. Các phát hiện này cho thấy thời khoảng nhiễm HBV càng lâu, tỷ lệ thanh thải HBsAg huyết thanh tự nhiên càng cao(1).

Ngoài ALT bình thường kéo dài và tuổi hoặc thời khoảng nhiễm HBV, các yếu tố liên quan có ý nghĩa với thanh thải HBsAg huyết thanh tự nhiên bao gồm lượng virus, nhất là nếu HBV DNA không được phát hiện (<300 bản sao/ml), nhiễm HBV kiểu gen A (>kiểu gen D) hoặc kiểu gen B (>kiểu gen C), và sự hiện diện của xơ gan hoặc bội nhiễm VG C(1).

Tuổi cao: là hằng định nhất và là yếu tố tiên lượng quan trọng trong thanh thải HBsAg trong đa số nghiên cứu. Tỷ lệ mắc hàng năm thanh thải HBsAg khá thay đổi, nhưng liên quan có ý nghĩa với tuổi trung bình hoặc trung vị của BN lúc tuyển chọn vào nghiên cứu(1).

Các yếu tố tiên lượng

  • BN HBeAg(-) nhiễm HBV kiểu gen chủ yếu B hoặc C, có ALT bình thường, nồng độ HBsAg <1.000 IU/ml, là tiên lượng thanh thải HBsAg huyết thanh tự nhiên. HBV DNA càng thấp thanh thải HBV càng cao trong thời kỳ theo dõi 7-12 năm, và nồng độ HBsAg <100 UI/ml, là một ngưỡng thích hợp cho tiên lượng mất HBsAg theo thời gian(1).
  • HBsAg <200 IU/ml kết hợp với giảm ≥1 log10 IU/ml HBsAg trong 2 năm trước có thể tiên lượng thanh thải huyết thanh HBsAg trong 3 năm với độ chính xác cao(1).
  • Nghiên cứu ở Đài Loan: người mang HBsAg thanh thải HBsAg tự nhiên có BMI cao và mức độ gan nhiễm mỡ cao hơn những BN không có. Gan nhiễm mỡ hoặc BMI >30 kg/m2 là các yếu tố độc lập liên quan có ý nghĩa với thanh thải HBsAg. Cơ chế chưa được rõ(1)

Thanh thải HBsAg huyết thanh cuối cùng dẫn đến mất tất cả các chỉ dấu sao chép HBV trong huyết thanh, gồm cả HBV DNA trở nên không phát hiện được (<12 IU/ml) trong >95% các trường hợp, và cải thiện mô học gan(1).

Nhưng HBV DNA ở gan, dưới dạng DNA vòng đóng cộng hóa trị (cccDNA), vẫn có thể tồn tại sau khi thanh thải HBsAg. Kháng thể anti-HBs có thể xuất hiện và tăng dần theo thời gian đến 59% sau 51 tháng theo dõi sau thanh thải HBsAg. Các BN thanh thải HBsAg có kết cục tuyệt vời vì gần như không có BN nào phát triển di chứng không tốt trong thời gian theo dõi trung vị 62 (12 đến 179) tháng sau thanh thải HBsAg, trừ khi có bội nhiễm với HCV, HDV(1)

Thanh thải HBsAg huyết thanh được xem là một tình trạng gần nhất dẫn đến lành bệnh nhiễm HBV mạn. Tuy nhiên, ở BN đã bị xơ gan trước đó hoặc bội nhiễm HCV, các kết cục lâm sàng của diễn tiến bệnh như mất bù gan, UTTBG hoặc tử vong liên quan đến gan còn có thể xảy ra(1).

3.4 Giai đoạn tái hoạt (phục hoạt)
Sau khi chuyển huyết thanh HBeAg, một nhóm nhỏ BN có thể xảy ra tình trạng tái hoạt sao chép HBV tự nhiên, với sự tái xuất hiện với nồng độ cao HBV DNA (>2 x 104 IU/ml) và ALT. Tái hoạt HBV liên quan đến sự tái xuất hiện HBeAg (hồi chuyển HBeAg) ở một nhóm nhỏ NB, cho thấy tái hoạt VGB thường là hậu quả của chủng HBV có đột biến tiền lõi (precore hoặc khởi đầu lõi (core promoter) loại bỏ hoặc điều hòa lặn (downregulation) sản xuất HBeAg. Sao chép HBV có thể tái hoạt ở NB mang HBV bất hoạt do điều trị ức chế miễn dịch hoặc hóa trị(1).

3.4.1. Hồi chuyển HBeAg
Sau khi chuyển huyết thanh HBeAg thành anti-HBe, HBeAg xuất hiện trở lại (hồi chuyển, reversion) trong một bộ phận nhỏ BN(1).

  • Nghiên cứu ở Alaska, 432 (80%) trong 541 NB chuyển huyết thanh còn HBeAg(-) và anti-HBe(+) trong suốt nghiên cứu, 109 NB (20%) còn lại hồi chuyển huyết thanh. Các đợt hồi chuyển HBeAg thường theo sau bùng phát VG và HBeAg hay dao động giữa chuyển và hồi chuyển huyết thanh. Thường có 2-3 đợt hồi chuyển trong 6-7 năm nghiên cứu(1).
  • Các nghiên cứu khác, hồi chuyển HBeAg xảy ra <5%, thường trong 3 năm sau chuyển huyết thanh. Dù tần suất xảy ra thấp, hồi chuyển HBeAg liên quan với nguy cơ xơ gan, UTTBG(1).

3.4.2. VGB mạn HBeAg(-)
Đa số BN có tái hoạt HBV là HBeAg(-) và các BN này được gọi là “VGB mạn HBeAg(-)”.
VGB mạn HBeAg(-) hiện diện trong khi theo dõi trong người mang HBsAg HBeAg(-) hoặc hiện diện trong người mang HBsAg HBeAg(-) chưa được chẩn đoán mà lại bị VG B cấp(1).
Các BN VG B mạn HBeAg(-) thường già hơn và có nồng độ HBsAg huyết thanh (2.5-4.0 log10 IU/ml), HBV DNA (4.0-5.5 log10 IU.ml), hoạt tính viêm và bùng phát VG ít hơn nhưng bệnh gan mạn tiến triển hơn so với các BN VGB mạn HBeAg(+)(1).
Tần suất VGB mạn HBeAg(-) trong nhiễm HBV mạn khá thay đổi giữa các vùng địa lý(1):

  • 80% đến 90% ở vùng Địa Trung Hải,
  • 30%-50% ở Đài Loan và Hồng Kông,
  • Nhưng <10% ở Mỹ và Bắc Âu.

Tuy nhiên, tỷ lệ VGB mạn HBeAg(-) ở những người mang anti-HBe(+) trong nhiều vùng địa lý khác nhau còn chưa được biết nhiều. Một ít nghiên cứu tiên cứu theo dõi quá trình tự nhiên sau khi chuyển huyết thanh HBeAg(1):

  • Các nghiên cứu từ Đài Loan đã chứng minh tỷ lệ hàng năm của VGB mạn HBeAg(-) là 2-3%, với tỷ lệ mắc cộng dồn VGB mạn HBeAg(-) là 25% qua 16 năm theo dõi sau khi chuyển huyết thanh, nhưng tái hoạt VGB thường xảy ra trong 5-10 năm đầu sau khu chuyển huyết thanh(1).
  • Trong một nghiên cứu ở Ý, 9/61 (14,8%) các trường hợp chuyển huyết thanh phát triển
  • VG B mạn HBeAg(-) trong thời gian theo dõi trung bình 22.8 năm. Tỷ lệ mắc VG HBeAg(-)  liên quan đến tuổi chuyển huyết thanh HBeAg thấp hơn chuyển huyết thanh HBeAg trước tuổi 30. Ở các bệnh nhi, tỷ lệ còn thấp hơn: chỉ 4 (6.3%) trong 64 bệnh nhi phát triển VG HBeAg(-)  trong một thời gian trung bình là 15 năm sau khi chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên(1).

 Tỷ lệ mắc VGB tái hoạt ở các người mang anti-HBe(+) được xác định tình cờ với nồng độ ALT bình thường vào lúc nhập viện cũng thay đổi giữa các nước phương Tây và phương Đông(1):

  • Một nghiên cứu ở Đài Loan gồm 1241 người mang anti-HBe(+), 211 (17,0%) phát triển VG B mạn HBeAg(-)  trong một thời gian trung bình là 12.3 năm, tỷ lệ cộng dồn 20,2% sau 20 năm theo dõi. Tái hoạt VGB xảy ra trong 5 đến 10 năm đầu và rất hiếm sau 20 năm(1).
  • Một nghiên cứu ở Ý chỉ có 3/68 (4%) người cho máu khỏe mạnh HBsAg(+) phát triển các thay đổi sinh hóa liên quan đến HBV trong thời gian theo dõi trung bình 11 năm(1).
  • Một nghiên cứu ở Bắc Hy Lạp chỉ có 4/195 (2.1%) người mang HBsAg “bất hoạt” có tái hoạt HBV trong thời gian theo dõi trung vị 5 năm(1).
  • Một nghiên cứu gẩn đây ở Hy Lạp cho thấy tỷ lệ mắc cộng dồn của VGB HBeAg(-) 24% vào lúc cuối theo dõi 4 năm của 85 ‘người mang bất hoạt” (1).

Điều khác biệt rõ ràng này trong các nghiên cứu có thể liên quan đến nguồn gốc dân tộc khác nhau, kiểu gen HBV khác nhau, kiểu truyền nhiểm, và tuổi của người mang bất hoạt. Qua đó, các kết cục của tình trạng người mang HBsAg bất hoạt trong các nước này có thể được lý giải (bảng 2)(1).
Bảng 2. Các yếu tố thường gặp liên quan đến chuyển huyết thanh HBeAg tự nhiên, tái hoạt HBV và thanh thải HBsAg(1).
_____________________________________________

Tuổi
Kiểu gen (B so với C, A so với D)
Tình trạng miễn dịch
Nồng độ ALT huyết thanh và hoạt tính VG
Nồng độ HBV DNA 
____________________________________________________

Người ta đã chứng minh rằng(1):

  • HBV DNA huyết thanh <2.000 IU/ml +HBsAg <1.000 IU/ml: chỉ thị của người mang HBsAg bất hoạt có ít cơ may phát triển VGB HBeAg(-) qua một trung vị 34.5 (6-110) tháng theo dõi.
  • Chuyển huyết thanh HBeAg trước tuổi 30 có tỷ lệ tái hoạt rất thấp.
  • Nồng độ ALT ≥5 lần trên GHBTT trong giai đoạn thanh thải miễn dịch và tuổi chuyển huyết thanh HBeAg ≥40 tuổi cũng kết hợp với nguy cơ tái hoạt HBV tăng lên.

VGB có nhiều khả năng tái hoạt nếu ly giải tế bào gan qua trung gian miễn dịch mạnh hơn hoặc giai đoạn thanh thải miễn dịch kéo dài hơn là cần thiết để thanh thải HBV sản xuất HBeAg(1).   

BN tái hoạt HBV có nguy cơ tiến triển đến xơ gan cao hơn so với các BN thuyên giảm kéo dài. Tỷ lệ hàng năm tiến triển đến xơ gan và UTTBG lần lượt là 2,3% và 0,5%, cao hơn 0,1% và 0,2% ở các BN thuyên giảm VG kéo dài. Các BN tái hoạt HBV có tỷ lệ mắc xơ gan tương quan đáng kể với giới nam và tuổi tái hoạt >40 tuổi(1).

3.5  Hồi phục VG B mạn
Một số NB VG B mạn trở nên thanh thải HBsAg:

  • Tỷ lệ hàng năm thanh thải HBsAg muộn được ước tính là 0,5 đến 2% ở các nước phương Tây và thấp hơn 0,1 đến 0,8% ở các nước châu Á.
  • Một nghiên cứu ở Đài Loan ước tính xác suất cộng dồn của tình trạng thanh thải huyết thanh HBsAg chỉ 8% sau 10 năm, nhưng tăng lên lần lượt 25% đến 45% sau 20 và 25 năm.
  • Một báo cáo khác theo dõi 3.087 NB nhiễm HBV mạn. NB có tuổi trung vị 45, 65% là nam và đa số (84%) HBeAg(-), thanh thải HBsAg xảy ra 562 NB (tỷ lệ hàng năm 2,26%). HBV DNA và nồng độ HBsAg thường giảm trước khi thanh thải. Tỷ lệ thanh thải HBsAg cộng dồn hàng năm vào khoảng 26% và 51% sau lần lượt 5 và 8 năm, ở các NB có HBV DNA huyết thanh không phát hiện được(2).    

Trong đa số trường hợp, các NB không xơ gan thanh thải HBsAg tốt hơn. 218 NB kg xơ gan  được theo dõi trung vị 62 tháng thì: 189 NB không xơ gan vào thời điểm thanh thải HBsAg, 3 NB bị xơ gan, 2 phát triển UTTBG, 1 chết vì UTTBG. Tuy nhiên, các biến chứng này chỉ ở NB đồng nhiễm với HCV hoặc HDV(2).
Dù tiên lượng khá tốt, thanh thải HBsAg không ngăn cản phát triển xơ gan hoặc UTTBG:

  • Trong một báo cáo, khả năng UTTBG lớn hơn ở những NB thanh thải HBsAg >50 tuổi.
  • Trong một nghiên cứu khác, 55 NB thanh thải tự nhiên HBsAg, biến chứng phát triển trong 33% (11 UTTBG, 6 xơ gan và 1 suy gan dưới bạo phát) với khoảng thời gian theo dõi trung bình 23 tháng. Nghiên cứu này có lẽ ước tính hơi quá tần số biến chứng xảy ra, bao gồm 20 NB (36%) đồng nhiễm với VG C hoặc VG D. Hơn nữa, một vài NB có thể có xơ gan không được ghi nhận hoặc không hồi phục tổn thương gan trước khi chuyển huyết thanh(2).

Nhiều NB thanh thải HBsAg nhưng còn HBV DNA(+) khi xét nghiệm bằng PCR nhất là trong 10 năm đầu thanh thải HBsAg. Một số nhỏ các NB này bỉ nhiễm hỗn hợp kiểu HBV hoang dại và các biến thể HBV với một mất đoạn trong vùng tiền S1, cùng với giảm tổng hợp HBsAg.

Tái hoạt sao chép HBV với tái xuất hiện HBeAg và HBV DNA (bằng xét nghiệm lai) trong huyết thanh và tái phát (recrudescence) bệnh gan có thể xảy ra khi các NB này bị ức chế miễn dịch. Sự tái hoạt có thể thay đổi mức độ nặng, từ nhẹ và không triệu chứng đến nặng với khả năng suy gan bạo phát(2).      

4. CÁC DI CHỨNG CÓ HẠI VÀ TỶ LỆ TỬ VONG
4.1. Xơ gan(1)
Các NB nhiễm HBV mạn có nguy cơ phát triển xơ gan khoảng 20%. Tỷ lệ mắc hàng năm và xác suất cộng đồn của phát triển xơ gan ở người VG B mạn khá thay đổi qua nhiều báo cáo khác nhau, có thể do bao gồm(1):

  • Các NB trong nhiều giai đoạn khác nhau
  • Mức độ trầm trọng của tổn thương gan ở mỗi giai đoạn
  • Các vùng địa lý khác nhau
  • Các kiểu gen và kiểu truyền nhiễm khác nhau.

Các nghiên cứu đã xác định các yếu tố đã góp phần vào phát triển xơ gan. Chúng bao gồm kiểu gen HBV, tình trạng HBeAg hoặc HBV DNA >104 bản sao/ml (2.000 IU/ml) vào lúc tuyển chọn, HBeAg(+) tồn tại, hồi chuyển HBeAg, chuyển huyết thanh HBeAg muộn >40 tuổi, tái hoạt HBV, nhất là khi tái hoạt xảy ra vào lúc >40 tuổi, tồn tại HBV DNA huyết thanh trong lúc theo dõi, bùng phát ALT với mất bù gan và tái bùng phát ALT nặng với AFP cao hoặc hoại tử gan bắc cầu (bảng 3)(1).

Bảng 3. Các yếu tố nguy cơ phát triển xơ gan
_____________________________________________
Tuổi cao

Kiểu gen (C > B và D > A)
HBeAg huyết thanh dương tính tồn tại và/hoặc sao chép HBV hoạt động.
Chuyển huyết thanh HBeAg
ALT tăng kéo dài hoặc ngắt quãng
Bùng phát VG B lặp lại với hoại tử bắc cầu hoặc mất bù gan.
Bội nhiễm với VG C hoặc D hoặc HIV
Các yếu tố khác: nghiện rượu hoặc hội chứng chuyển hóa.
_____________________________________________

Nói cách khác, nhiều NB đã phát triển xơ gan trong giai đoạn HBeAg(+) như trong một nghiên cứu gần đây 28/93 (30%) NB HBeAg(+) vào lúc khởi phát xơ gan. Các số liệu này liên quan đến kết cục cuối cùng của nhiễm HBV mạn có vẻ phụ thuộc vào thời khoảng của giai đoạn thanh thải miễn dịch và giai đoạn tái hoạt sau khi chuyển huyết thanh HBeAg, cũng như mức độ trầm trọng của tổn thương gan trong các giai đoạn này. Các yếu tố khác liên quan khá ý nghĩa với tiến triển xơ gan bao gồm tuổi cao, thường phản ánh thời khoảng nhiễm HBV lầu ngày, giới nam, bội nhiễm HCV, HDV hoặc HIV, nghiện rượu, bệnh gan thấm mỡ không do rượu chồng lên(1).

Một nghiên cứu thuần tập dựa vào cộng đồng (nghiên cứu REVEAL-HBV) từ Đài Loan phát hiện nguy cơ xơ gan tăng lên theo tỷ lệ với tăng nồng độ HBV DNA vào lúc khởi đầu tuyển chọn ở mức 104 bản sao/ml. NB bao gồm trong nghiên cứu này đa số HBeAg(-) (85%) và có nồng độ ALT bình thường (94%), tuổi trung vị 45 (30-65) vào lúc tuyển chọn. Phù hợp với triệu chứng lâm sàng NB có HBV DNA >104 bản sao/ml có nguy cơ tăng tái hoạt HBV, hình như có khả năng các NB có nồng độ HBV DNA cao lúc ban đầu trong nghiên cứu thuần tập này dễ bị tái hoạt VG B và tiến đến VG mạn HBeAg(-) trước khi phát triển xơ gan(1).

4.2.Xơ gan mất bù và tỷ lệ tử vong(1).

Sao chép HBV và hoạt tính hoại tử viêm có thể giảm vào lúc khởi đầu xơ gan. Tuy nhiên, ít nhất 1/3 NB bị xơ gan do HBV còn có nồng độ sao chép HBV cao (HBeAg(+) hoặc HBV DNA >2.000 IU/ml) vào lúc khởi phát xơ gan. Khoảng 3-5% NB bị xơ gan còn bù phát triển vàng da, báng bụng, bệnh não do gan, hoặc vỡ dãn tĩnh mạch thực quản mỗi năm. Nguy cơ mất bù gan 4 lần cao hơn ở NB HBeAg(-) và HBV DNA(+) (bằng xét nghiệm lai) (4% mỗi năm) hơn NB HBeAg(-) và HBV DNA(-) (1% mỗi năm)(1).

Một dạng chủ yếu của mất bù gan trong xơ gan do HBV là thứ phát sau bùng phát VG. Tỷ lệ mắc hàng năm ước tính 15-25% ở NB HBeAg(+) và 5-10% ở NB HBeAg(-) có xơ gan. Khoảng 10-15% bùng phát cấp bị biến chứng vàng da và 3-5% báng bụng. Nhìn chung, tỷ lệ mắc hàng năm của mất bù gan là 1.5% và tỷ lệ mắc cộng dồn là 30,8% trong thời khoảng trung vị 102 ± 60 (12–246) tháng(1).

Tỷ lệ sống 5 năm của NB xơ gan còn bù Child A vào khoảng 80-85%, liên quan chặ với tình trạng sao chép HBV. Xác suất sống sót >95% ở NB có HBeAg(-) và HBV DNA(-) (bằng xét nghiệm lai) nhưng chỉ 60-72% ở NB HBeAg(-) hoặc HBV DNA(+). Ở nhóm người sau, thanh thải HBeAg liên quan với giảm 2,2 lần tử vong và bình thường hóa ALT là một chỉ dấu tiên lượng tốt hơn của tỷ lệ sống được cải thiện hơn thanh thải huyết thanh HBeAg(1).
Một khi mất bù gan phát triển, xác suất sống giảm đáng kể(1):

  • Tỷ lệ sống 5 năm được báo cáo xơ gan HBV child B và C mất bù thay đổi đáng kể ở các tập họp khác nhau, từ 14% đến 88% (trung bình 30-50%).
  • Một nghiên cứu ở Hong Kong, tỷ lệ sống 5 năm ở NB có HBeAg(+) vào lúc đến khám là 57%, thấp hơn đáng kể 88% ở NB HBeAg(-) vào lúc đến khám.
  • Ngược lại, nghiên cứu ở Hòa Lan cho thấy tỷ lệ sống 5 năm cực kỳ thấp (14%), độc lập với HBeAg huyết thanh vào lúc tuyển chọn.

Các số liệu cho thấy xác suất sống tương quan khá ý nghĩa với tình trạng sao chép HBV ở NB có mất bù gan ít nặng nề hơn như xơ gan Child C.  

4.3.Ung thư tế bào gan (UTTBG)(1)

Hình 2. Bệnh sinh UTTBG: do VG B là một quá trình nhiều giai đoạn liên quan đến nhiều yếu tố. Cần ghi nhận sự phối hợp của tình trạng hoại tử viêm gan, tiến triển của bệnh gan và biến đổi di truyền trong quá trình nhiễm HBV mạn. Ký chủ và các yếu tố môi trường cũng góp phần vào tiến triển của bệnh và sinh ung thư gan(1).
Tỷ lệ mắc UTTBG trong nhiễm HBV mạn liên quan chặt với mức độ nặng của bệnh nền (bảng 4):

VGB2 (19-07-17)
  • Ở các nước Đông Á, tỷ lệ hàng năm UTTBG từ 0,2% ở người mang bất hoạt đến 0,8% ở NB VG B mạn không xơ gan và 3,7% ở NB xơ gan còn bù, tỷ lệ mắc cộng dồn 5 năm tương ứng lần lượt là 1%, 3% và 17%(1).
  • Ở các nước phương Tây, tỷ lệ mắc hàng năm của UTTBG là 0,02% ở người mang bất hoạt, 0,3% ở NB VG B mạn không xơ gan, và 2,2% ở NB xơ gan còn bù; tỷ lệ mắc cộng dồn tương ứng lần lượt là 0,1%, 1% và 19%(1).

Bảng 4. Tỷ lệ UTTBG hàng năm và 5 năm ở các nước Đông Nam Á và phương Tây(1).

VGB 3(17-06-17)

Các số liệu này xác định xơ gan là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của phát triển UTTBG và cũng gợi ý nhiễm HBV mạn chu sinh liên quan với nguy cơ UTTBG lớn hơn nhiễm HBV mắc phải ở người lớn, có lẽ vì thời khoảng nhiễm virus dài hơn(1).

Vì nguy cơ UTTBG tương quan với bệnh gan nền và đa số trường hợp UTTBG phát triển ở NB xơ gan. UTTBG và xơ gan góp chung các yếu tố nguy cơ tương tự (hình 2)(1).

Về các yếu tố virus, nồng độ HBV DNA, các kiểu gen, và các đột biến xảy ra tự nhiên như các đột biến tiền S1 và đột biến kép A1762T/G1764A gen khởi đầu lõi kết hợp với phát triển UTTBG. Phân tích đa biến bao gồm theo dõi 2.762 người Đài Loan mạng HBsAg với 33.847 người-năm cho thấy A1762T/G1764A và kiểu gen C là các yếu tố độc lập với tỷ suất rủi ro được điều chỉnh lần lượt là 1.73 (p=0,013 và 1,76 (p=0,005) (1).

Kiểu gen C và HBV DNA cao cũng có tác dụng hợp lực trong đẩy mạnh phát triển UTTBG. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sự kết hợp giữa các đột biến HBV và UTTBG là sâu sắc nhất ở NB có một đột biến mất đoạn tiền S theo sau bởi đột biến gen khởi đầu lõi và sự kết hợp của các đột biến này có một tác dụng hợp lực trên phát triển UTTBG(1).

Nhiễm cùng lúc HCV hoặc HDV cũng làm tăng nguy cơ xơ gan và UTTBG. Các NB có bệnh sử gia đình UTTBG có nguy cơ tăng lên. Các yếu tố khác góp phần vào UTTBG bao gồm nghiện rượu, hút thuốc lá, và phơi nhiễm với aflotoxin. Các nghiên cứu ở châu Phi và Trung Quốc cho thấy một sự kết hợp khá ý nghĩa giữa aflatoxin nước tiểu và UTTBG, và một tương tác hợp lực với tình trạng mang HBsAg(1).

1. CÁC YẾU TỐ TIÊN LƯỢNG VỀ DIỄN TIẾN BỆNH

  • HBeAg: Tiên lượng xấu ở NB có giai đoạn sao chép kéo dài có thể  liên quan đến thời khoảng hoại tử viêm dài hơn. Các đợt tái phát VG có thể hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua tổn thương trung gian miễn dịch, làm tăng nguy cơ xơ hóa gan và cả sinh ung thư. Ức chế sao chép HBV và thanh thải HBsAg có thể cải thiện bệnh gan(2)
  • HBV DNA: Nồng độ HBV DNA cao liên quan với tỷ lệ mắc xơ gan, UTTBG và tử vong liên quan đến gan(2).
  • Nồng độ HBsAg: NB VG B mạn, HBeAg(-) có HBV DNA thấp, nồng độ HBsAg >1.000 IU/ml làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh gan và UTTBG(2).

2. KẾT LUẬN
Lịch sử tự nhiên và các sự kiện của nhiễm HBV mạn mắc phải chu sinh thường có 3 giai đoạn theo thời gian:

  1. Giai đoạn dung nạp miễn dịch
  2. Giai đoạn thanh thải miễn dịch
  3. Giai đoạn bất hoạt hoặc giai đoạn tồn dư

Tuy nhiên, nhiễm HBV mạn mắc phải ở người lớn không có giai đoạn dung nạp miễn dịch ban đầu rõ ràng. Chuyển huyết thanh HBeAg là một dấu chất lượng và thường các tín hiệu chuyển tiếp từ nhiễm HBV từ hoạt động sang bất hoạt với nồng độ ALT bình thường và hồi phục hoạt tính VG. Sau thuyên giảm tồn tại kéo dài, chuyển huyết thanh HBsAg tự nhiên có thể xảy ra và là một tiên lượng tuyệt vời. Mặt khác, HBV có tái hoạt và kích hoạt các tổn thương gan qua trung gian miễn dịch với một tỷ lệ mắc hàng năm là 2-3%, thường trong 10 năm đầu sau chuyển huyết thanh HBeAg. Giai đoạn phản ứng này có thể được xem như một biến thể của giai đoạn thanh thải miễn dịch.  

Sao chép HBV với tương tác sau đó giữa HBV, tế bào gan và các tế bào miễn dịch trong giai đoạn thanh thải miễn dịch hoặc giai đoạn phản ứng có thể dẫn đến VG và tiến triển bệnh. Nồng độ HBV DNA cao và hoạt tính bệnh là yếu tố tiên lượng tốt nhất của các kết cục lâm sàng có hại như mất bù gan, xơ gan, UTTBG và tử vong liên quan đến gan. Giảm sao chép HBV kéo dài trước khi khởi phát xơ gan được cho là kết cục thuận lợi. Vì sao chép HBV hoạt động là động lực then chốt của diễn tiến bệnh, ức chế HBV là mục tiêu ban đầu của liệu pháp. Các cải tiến gần đây về sự hiểu biết lịch sử tự nhiên của VG B mạn và các yếu tố tiên lượng về diễn tiến bệnh đã giúp xử trí NB nhiễm HBV mạn tốt hơn.
3.THAM KHẢO

  1. Liaw YF. Natural history of chronic hepatitis B virus infection. In Viral Hepatitis by Howard C. Thomas, Anna S.F. Lok, Stephen A. Locarnini, Arie J. Zuckerman. 4th edition. Viley Blackwell, 2014: 143-53.
  2. Lok ASF, Esteban R, Mitty J. Clinical manifestations and natural history of hepatitis B virus infection. Feb 2017.https://www.uptodate.com/contents/clinical-manifestations-and-natural-history-of-hepatitis-b-virus-infection?
  3. Thio CL, Hawkins C. Hepatitis B Virus and Hepatitis Delta Virus. In the Mandell, Douglas, and Bennett’s Principles and Practice of Infectious diseases. 8th Edition, Volume 1, Elsevier Saunders, Philadelphia. 2015:1815-1839e.7.
  4. Chu CM. Natural history of chronic hepatitis B virus infection in adults with emphasis on the occurrence of cirrhosis and hepatocellular carcinoma. J Gastroenterol and Hepatol, 2000 (15) Suppl. E25-E30.

BV NHẬT TÂN
TSBS. Châu Hữu Hầu

 

 

 

 

 

Translate »