BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, với số lượng người mắc bệnh tăng cao, thậm chí phải nhập viện, tử vong. Điều quan trọng cần nhận biết các triệu chứng, cách dùng thuốc đúng và các biện pháp phòng ngừa có thể dễ dàng chống lại căn bệnh truyền nhiễm chết người này.

 1. Nhận biết sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền, đôi khi biến chứng có thể gây chết người được gọi là sốt xuất huyết nặng. Tại Việt Nam, tình hình nhiễm sốt xuất huyết thường diễn biến phúc tạp và đạt đỉnh từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.

Hiện số ca sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng. Việc phát hiện sớm và chăm sóc y tế thích hợp sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Cần nghi ngờ sốt xuất huyết khi sốt cao (40°C) kèm theo 2 trong số các triệu chứng sau trong giai đoạn sốt (2-7 ngày):

  • Nhức đầu dữ dội
  • Đau hốc mắt
  • Đau cơ và khớp
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Phát ban.

Một bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng thường vào giai đoạn khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Trong 24-48 giờ của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột. Sốt xuất huyết nặng có thể gây tử vong, do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy đa tạng. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:

  • Đau bụng
  • Nôn mửa liên tục
  • Thở nhanh
  • Chảy máu nướu răng hoặc mũi
  • Mệt mỏi
  • Bồn chồn
  • Gan to
  • Máu trong chất nôn hoặc phân.

Nếu bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng này, cần theo dõi sát sao và chăm sóc y tế thích hợp, tránh biến chứng và nguy cơ tử vong.

2. Có thuốc điều trị sốt xuất huyết không?

Sốt xuất huyết do virus gây ra, hiện không có thuốc đặc trị hay kháng sinh điều trị. Đối với bệnh sốt xuất huyết điển hình, việc điều trị được hướng tới việc làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn và sốt cao.

Có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc hỗ trợ như sử dụng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau để kiểm soát các triệu chứng đau nhức cơ và sốt.

Các lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng này là paracetamol. Nên tránh dùng thuốc NSAID (thuốc chống viêm không steroid), như ibuprofen và aspirin để hạ sốt, do các loại thuốc chống viêm này làm loãng máu, có thể làm trầm trọng bệnh.

Dùng paracetamol hạ sốt theo khuyến cáo của nhà sản xuất, hoặc chỉ định của bác sĩ.

Sốt xuất huyết là một bệnh sốt siêu vi nên thuốc kháng sinh không hữu ích đối với bệnh nhiễm virus này. Do vậy, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp nhập viện, nếu bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine ngừa sốt xuất huyết nên biện pháp hữu hiệu nhất là chủ động phòng bệnh bằng cách:

– Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng bằng cách quản lý và điều chỉnh môi trường sinh sống của muỗi.

– Sử dụng các biện pháp bảo vệ cho cá nhân trong nhà như màng chắn cửa sổ, quần áo tay dài, vật liệu được tẩm chất diệt côn trùng…

– Đậy nắp, thay nước và làm sạch dụng cụ đựng nước sinh hoạt ít nhất hàng tuần

– Sử dụng các chất diệt côn trùng thích hợp cho các dụng cụ chứa nước ngoài trời.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

 

 
Translate »