Hiện nay, nước ta có khoảng 56.000 người nhiễm HIV còn trong trạng thái hạn chế tiếp xúc với các dịch vụ xét nghiệm HIV. Để giải tỏa tâm lý lo sợ về sự kỳ thị cũng như khó khăn trong quá trình tiếp cận với dịch vụ y tế, Tổ chức Y tế Thế giới đã giới thiệu phương pháp tự xét nghiệm HIV bằng cách lấy máu đầu ngón tay và lấy dịch miệng.
Với hai hình thức xét nghiệm trên, người thử chỉ cần chờ từ 15-20 phút sẽ biết được kết quả.
1. Xét nghiệm bằng cách lấy máu đầu ngón tay
Bộ dụng cụ bao gồm: 1 que thử, 1 lọ dung dịch đệm và 1 kim chích máu đầu ngón tay.
Cách tiến hành xét nghiệm như sau:
Bước 1: Sát trùng đầu ngón tay định chích máu
Bước 2: Dùng kim chích máu chích dứt khoát lên đầu ngón tay đã sát trùng.
Bước 3: Nhỏ giọt máu vừa chích lên đầu que thử. Nhỏ dung dịch đệm lên và đợi phản ứng. Kết quả sẽ thu được trong 15-60 phút, ngoài thời gian này kết quả sẽ không còn chính xác.
Cách đọc kết quả:
– Chỉ 1 vạch có chữ C là kết quả âm tính.
– Có 2 vạch thể hiện kết quả có phản ứng, cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm lại một cách chính xác nhất.
– Trong trường hợp que thử không hiện vạch nào hoặc hiện vạch T mà không hiện vạch C, kiểm tra bị lỗi, cần được làm lại.
2. Xét nghiệm bằng cách lấy dịch miệng
Bộ dụng cụ xét nghiệm có: 1 que thử, 1 lọ dung dịch đệm và 1 giá đựng dung dịch đệm.
Cách tiến hành xét nghiệm như sau:
Bước 1: Mở bao chứa lọ dung dịch đệm, mở nắp, giá đỡ và mở bao chứa que thử. Lưu ý không chạm tay bào phần phết mẫu.
Bước 2: Lấy mẫu dịch miệng bằng cách ấn mạnh phần phết mẫu vào nướu răng và quệt dọc nướu hàm trên 1 lần, quệt dọc nướu hàm dưới 1 lần.
Bước 3: Cắm đầu có vùng phết mẫu của que thử vào trong ống nghiệm cho đến khi chạm đáy ống nghiệm. Người tự xét nghiệm sẽ chờ đọc kết quả sau 20 phút. Không đọc kết quả sau 40 phút.
Cách đọc kết quả:
– Chỉ 1 vạch có chữ C là kết quả âm tính.
– Có 2 vạch thể hiện kết quả có phản ứng, cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm lại một cách chính xác nhất.
– Trong trường hợp que thử không hiện vạch nào hoặc hiện vạch T mà không hiện vạch C, kiểm tra bị lỗi, cần được làm lại.
Đỗ Xuân Nguyên
Trưởng Khoa Lao – HIV/AIDS – Da Liễu, TT.KSBT An Giang
Văn phòng Sở Y tế An Giang