Các Thuật Ngữ về Cộng Hưởng Từ(MRI) và X-Quang

SKĐS – Chụp cộng hưởng từ hay MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một kỹ thuật chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio.- Chẩn đoán X-quang là phương pháp dung quang tuyến X để phát hiện những hình ảnh mang dấu hiệu bất thường trên màn huỳnh quang hay trên phim của một số cơ quan trong cơ thể người giúp cho việc chẩn đoán bệnh.

CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ HAY MRI (Magnetic Resonance Imaging)

Chụp cộng hưởng từ hay MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một kỹ thuật chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio. Phương pháp này không sử dụng tia X và an toàn cho bệnh nhân. Máy chụp cộng hưởng từ là một thiết bị nhạy cảm và đa năng giúp ta thấy hình ảnh các lớp cắt của các bộ phận cơ thể từ nhiều giác độ trong một khoảng thời gian ngắn.

Ngày nay, MRI được sử dụng để kiểm tra gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Kỹ thuật này đặc biệt có giá trị trong việc chụp ảnh chi tiết não hoặc dây cột sống. Kể từ khi MRI mang lại những hình ảnh 3 chiều, bác sĩ có thể nắm được thông tin về địa điểm thương tổn. Những thông tin như vậy rất có giá trị trước khi phẫu thuật, chẳng hạn như tiểu phẫu não.

X-QUANG

Ngày nay, máy X-quang đã được sản xuất với công nghệ mới hiện đại và đã cho ra đời các loại: máy X-quang cao tần, máy CT scanner, máy X-quang chụp mạch, máy X-quang chụp tuyến vú, máy X quang chụp xóa nền DSA ….

Công dụng

Tia X-quang có thể xuyên qua cơ thể người, nên ngành y học thường dùng nó để kiểm tra các cơ quan bên trong của cơ thể bệnh nhân như phổi, xương và dạ dày… Máy X-quang giúp cho bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách dễ dàng, chính xác và nhanh chóng. Thông qua chụp phim X-quang sẽ giúp cho bác sĩ tìm ra và chẩn đoán bệnh mà với cách khám thông thường không thể nhìn thấy được. Ngoài ra phim X-quang còn giúp thấy được các dấu hiệu sớm của bệnh để tiến hành điều trị trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Chuẩn bị

• Bệnh nhân phải nhịn ăn.

• Bệnh nhân được uống trước một số thuốc có quy định.

• Bệnh nhân phải bỏ ra khỏi người các trang sức kim loại, đá quý…

• Bệnh nhân được rửa sạch vùng chiếu X-quang nếu trên chỗ ấy đã bôi, thoa các thuốc mỡ, thuốc nước có chất cản quang.

• Bệnh nhân được mặc áo quần thuận tiện cho việc chiếu X-quang.

Bác sĩ sẽ làm gì?

Kỹ thuật viên sử dụng máy X-quang cần mặc quần áo bảo hộ, phải chuẩn bị bệnh nhân thật kỹ để tránh cho bệnh nhân phải chẩn đoán lần 2, nên dùng loại phim có lớp nhũ tương độ bắt sáng cao nhất và dùng bìa tăng sáng siêu nhạy. Sử dụng bộ thời gian tự động (Autotimer) như là tế bào quang điện bằng ion để giảm
thiểu việc chụp phim lần 2. Thời gian chụp không được lâu và bệnh nhân không được chụp nhiều lần trong
một tháng.

(Theo Nhà Xuất bản y học)

Translate »