Người hút thuốc lá và những người hút thuốc lá thụ động (trong vòng 1mét) dễ mắc bệnh mạn tính về phổi, đường hô hấp, và nhiều chứng bệnh khác, có thể dẫn đến ung thư.
Hút thuốc lá có hại cho hầu hết các cơ quan cơ thể con người. Giáo sư Robert West, Giám đốc Viện nghiên cứu Ung bướu Anh cho biết, chỉ mất vài giây khói thuốc lá đã vào đến phổi, làm cho tim hoạt động khó khăn hơn và làm tăng huyết áp. Khói thuốc lá kích thích và gây viêm nhiễm đường hô hấp, có thể ho kéo dài không dứt sau cái rít thuốc đầu tiên.
Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Mỹ xếp nicôtin vào nhóm “ma tuý”, nó tác động chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương dẫn đến gây nghiện.
Nicôtin là chất không màu, biến thành màu nâu khi cháy, hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc được hít thẳng vào phổi. Cacbon monoxit (CO), là chất khí không màu, không mùi, nồng độ trong khói thuốc lá cao hơn 600 lần cho phép, sẽ hấp thụ vào máu, phản ứng cộng hợp với hemoglobin với ái lực mạnh hơn 20 lần ôxy.
Mỗi lần rít thuốc, CO vào thẳng máu, nó đẩy các phân tử ô xy ra khỏi tế bào hồng cầu. Nồng độ ôxy chỉ trở lại phổi bình thường sau 6 giờ ngừng không hút thuốc. Trong khói thuốc lá có tới 70 chất gây ung thư, như hợp chất thơm benzopyren gây ung thư, viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính.
Nguy cơ của việc hút thuốc lá thụ động: Người lớn có thể bị ung thư phổi và các bệnh khác. Trẻ em, rất dễ cảm nhiễm với khói thuốc lá, nên dễ bị viêm phế quản mạn tính với những đợt cấp tính, bệnh lý về tai, mũi, họng, nhức đầu, ảnh hưởng đến não, tim và đường ruột, đặc biệt là tăng huyết áp ở trẻ em trai.
Nồng độ các chất gây ung thư như hydrocacbon thơm đa vòng (PAH) cao nhất sau khi hút thuốc lá từ 15 – 30 phút.
Theo VNN (http://khoahoc.tv)