Nhưng dù được chăm sóc kỹ thì thú cưng vẫn chứa dựng nhiều mầm bệnh có thể lây truyền cho những người sống chung. Trong đó có những bệnh khá nguy hiểm gây nhiều phiền toái cho con người như: Bệnh nhiễm giun móc chó, mèo; Bệnh nhiễm sán dải chó, mèo…
Ngày nay, nuôi và xem thú cưng như những thành viên trong nhà, chăm sóc chúng như đứa trẻ: hôn hít, ẵm bồng, dắt đi dạo, ăn chung, ngủ chung… Bên cạnh những mặt tích cực do nuôi thú cưng mang lại còn có những nguy hại về sức khỏe mà ít người biết đến. Thú cưng thường được nuôi là chó, mèo, chim, chuột… nhưng phổ biến nhất là chó và mèo. Cũng như con người, thú vật cũng mang những mầm bệnh trên mình và có thể lây truyền mầm bệnh đó cho những người sống chung.
Một số bệnh ký sinh trùng có thể mắc phải khi nuôi thú cưng
Bệnh nhiễm giun móc chó, mèo
Giun móc chó, mèo có tên khoa học là Ancylostoma caninum, Ancylostoma braziliense, Uncinaria stenocephala; là những loại giun móc sống ký sinh ở trong ruột chó, mèo; ngoài ra, có thể sống ký sinh ở khỉ và các loại động vật ăn thịt khác như mèo rừng, hổ, báo, cầy giông…
Người bị nhiễm mầm bệnh thường do tiếp xúc với đất, cát ở ngoại cảnh của môi trường sống bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng giai đoạn lây nhiễm được.
Ấu trùng giun chui qua da, thường ở vùng da tay, da chân và di chuyển ở mô dưới da. Bệnh thường gặp ở những người làm vườn, trẻ em chơi nghịch đất cát, người đi chơi ngồi ở các bãi biển… Ấu trùng giun có thể tồn tại nhiều tuần, có khi kéo dài hàng tháng. Trong một số trường hợp, ấu trùng giun có khả năng thoát ra thành mạch máu, lên phổi gây hội chứng Loeffler.
Chẩn đoán xác định bệnh thường căn cứ vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ và dấu hiệu dị ứng toàn thân. Sinh thiết da cho thấy những u hạt chứa nhiều tế bào bạch cầu đa nhân ái toan, có thể gặp được ấu trùng nằm giữa u hạt… Vì vậy, không cho trẻ chơi đùa nơi có phân chó, mèo. Rửa tay với xà phòng sau khi nghịch đất, cát hoặc sau khi chơi với chó mèo. Cần vệ sinh kỹ lưỡng khu vực có phân chó, mèo. Định kỳ cho trẻ tẩy giun…
Bệnh giun đũa chó (Toxocara canis), mèo (Toxocara cati)
Giun đũa chó, mèo hay còn gọi là Toxocara (còn gọi là bệnh sán chó). Các giun này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ, các trứng này sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.
Bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu, tăng globulin máu, tăng bạch cầu ưa axít không thường xuyên. Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mạn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun Toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80-90%.
Người là vật chủ ngẫu nhiên, do nuốt phải trứng giun có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó, mèo hoặc nuốt phải ấu trùng giun khi ăn thịt chó mèo chưa nấu chín.
Người nuốt phải trứng giun Toxocara, khi đến ruột non, trứng nở giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột di chuyển đến gan. Từ gan, ấu trùng qua hệ tuần hoàn và bạch huyết di trú đến các tổ chức khác như phổi, nội tạng ở bụng, mắt… gây ra các tổn thương ở nội tạng. Ấu trùng Toxocara không thể phát triển thành giun trưởng thành trong cơ thể người và không thể tái lặp chu kỳ sống ở người. Ấu trùng có thể tồn tại trong các tổ chức nhiều năm nếu không được điều trị.
Trùng bào tử (Toxoplasma gondii): mèo là ký chủ chính và vĩnh viễn
Người chỉ là ký chủ tình cờ của Toxoplasma gondii. Người bị nhiễm do nuốt phải trứng nang hoặc ăn phải nang giả có trong thịt chưa nấu chín hoặc trong sữa, máu, nước tiểu của mèo bị nhiễm. Vào đến ruột của ký chủ, các thoa trùng trong trứng nang hoặc nang giả được phóng thích để đi ký sinh các tế bào thuộc hệ võng mô, não, cơ, trở thành những dạng hoạt động mới. Trong tế bào ký chủ, chúng tích cực sinh sản bằng cách phân đôi cho ra những thế hệ mới, làm tăng nhanh dân số, đi xâm chiếm tế bào mới, gây nên thể cấp tính. Giai đoạn này gây nguy hiểm cho thai nhi nếu người mẹ bị nhiễm T. gondii.
Ở thể nhẹ, bệnh nhân có các triệu chứng sốt, nổi hạch và mệt mỏi, bệnh tự khỏi không cần điều trị. Khi bị nhiễm với số lượng lớn, ký sinh trùng tăng sinh mạnh, gây tổn thương hoại tử khu trú, tiếp theo đó, ký sinh trùng phát tán theo đường máu gây thể bệnh lan tỏa. Tổn thương thường gặp ở não, mắt, cũng có thể ở phổi, tim. Viêm não thường nặng, cuối cùng, bệnh nhân hôn mê và tử vong. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà chọn lựa phương pháp chẩn đoán thích hợp: phân lập ký sinh trùng, giải phẫu bệnh lý, thử nghiệm bì, chụp CT não…
Bệnh nhiễm sán dải chó, mèo (Dipylidium caninum)
Sán trưởng thành sống trong ruột non của chó, mèo. Đốt sán già theo phân hoặc bò qua hậu môn ra ngoài. Trứng được phóng thích khi đốt sán co bóp hoặc khi đốt sán bị tiêu nát. Trứng được phát tán ra môi trường hoặc bám vào lông hay ở quanh hậu môn chó.
Các loài bọ chét như Ctenocephalides canis, Ct. felis, Pulex irritans nuốt vào ruột, phôi 6 móc sẽ phát triển thành nang ấu trùng có đuôi (cysticercoid). Trẻ em tình cờ nuốt bọ chét, nang ấu trùng có đuôi trưởng thành ở ruột non trong vòng 20 ngày. Trẻ em bị bệnh thường không có triệu chứng hoặc rối loạn tiêu hóa nhẹ. Khi nhiễm nhiều sán, trẻ mệt mỏi, nhức đầu, đau thượng vị, ngứa hậu môn, tiêu chảy, dị ứng.
Cách phòng tránh bệnh ký sinh trùng lây nhiễm do nuôi thú cưng
Đối với người: Tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo; bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo. Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó, mèo chưa nấu chín.
Đối với thú nuôi: Tắm rửa thường xuyên bằng các loại dầu tắm dành riêng cho thú nuôi để loại bỏ trứng giun, sán và các loài ngoại ký sinh ra khỏi lông. Tẩy giun cho chó mèo. Với chó mèo con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy 1 lần. Không nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc.
ThS. Trần Mỹ Duyên