YHTH – Theo Bộ Y tế, số người từ 60 tuổi trở lên ở nước ta sẽ tăng 18,3% dân số cả nước vào năm 2030, gấp đôi con số năm 2015. Tuổi càng cao sức đề kháng càng suy yếu khiến người cao tuổi phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe.
Bệnh xương khớp
Gồm mấy loại như viêm xương khớp, loãng xương.
Viêm Xương Khớp (osteoarthritis) ảnh hưởng tới quá nửa số người cao tuổi. Lớp sụn lót đầu khớp xương bị hao mòn, xương mới có thể được tạo ra làm khớp đau, nhất là khi cử động. Các khớp đầu gối, bàn tay, xương sống, hông là nơi hay bị đau.
Chữa viêm khớp tập trung vào việc làm giảm đau nhức và phục hồi hoặc duy trì chức năng của khớp. Hiện nay có nhiều loại thuốc có thể làm nhẹ triệu chứng đau nhức của viêm khớp như Aspirin, Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen, nhưng không có thuốc nào chữa dứt được bệnh.
Loãng xương (osteoporosis) là chuyện thường thấy ở phụ nữ khi vào tuổi mãn kinh. Đây là hậu quả của calcium trong xương bị tiêu hao.
Ở phụ nữ, lý do chính yếu là kích thích tố estrogen giảm khi hết kinh. Nhưng ở nam và nữ, loãng xương có thể do không dùng đủ calcium và sinh tố D, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu.
Phương thức đối phó với loãng xương hiệu nghiệm nhất là sự phòng ngừa bệnh. Mỗi ngày nhu cầu calcium là 1500 mg, đến từ thực phẩm và dược phẩm.
Ung Thư
Ung thư vú rất thông thường ở phụ nữ trung niên và cao niên. Bệnh có thể phát hiện sớm nhờ ba phương pháp: tự khám nhũ hoa, khám nhũ hoa bởi bác sỹ/ y tá và chụp X-Ray nhũ hoa.
Ung thư phổi Nguyên nhân chính yếu vẫn là do hút thuốc lá lâu năm.
Ung thư tuyến nhiếp (prostate cancer) trở nên khá thông thường ở người 60 tuổi. Tỷ lệ gia tăng với mỗi mười năm tuổi thọ.
Bệnh tiến triển âm thầm, chậm chạp. Nghi bệnh khi có rối loạn tiểu tiện (nghẹt tiểu tiện, đái ra máu) hoặc khi bác sĩ khám tuyến qua hậu môn, thấy tuyến sưng to. Xác định bệnh bằng thiết sinh tế bào tuyến (biopsy) và thử nghiệm Prostate-specific antigen (PSA).
Bệnh Tim Mạch
Nói tới bệnh tim mạch là nói tới Nhồi Máu Cơ Tim, Vữa Xơ Động Mạch, Tai Biến Động Mạch Não…
Tai biến động mạch não (strokes) là nguyên nhân tử vong thứ ba ở người cao tuổi và có thể gây ra một số tổn thất thần kinh như bán thân bại xụi, mất thị giác, ngôn từ, suy giảm chức năng nhận biết.
Có tới 30% nạn nhân thiệt mạng trong vòng vài tháng; người sống sót đều có thể bị tai biến trở lại hoặc bị quỵ tim (heart attack) trong vòng 2 năm.
Bệnh là hậu quả của rối loạn trong mạch máu nuôi tế bào não bộ: một cục máu đông có thể tự tạo ra tại chỗ hoặc được đưa từ nơi khác tới mạch máu não làm tắc mạch máu não; mạch máu não có thể bị đứt làm máu chan hòa ép lên não bộ.
Nguy cơ gây ra tai biến gồm có: tuổi trên 60; nam giới, gia đình có người đã bị tai biến, cao huyết áp, bệnh tiểu dường, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, uống nhiều rượu…
Cao huyết áp : Là cao khi huyết áp tâm thu (systolic) = hoặc >140 mm Hg; huyết áp tâm trương (diastolic) = hoặc > 90mm Hg.
Cao huyết áp là yếu tố hàng đầu đưa đến tai biến động mạch não và là một trong nhiều yếu tố đưa đến quỵ tim (heart attack).
Bệnh rất thông thường ở tuổi trung niên. Ở người cao tuổi, hầu hết chỉ có huyết áp tâm thu (systolic) là cao.
Tới 90% các trường hợp cao huyết áp chưa xác định được nguyên nhân; một số nhỏ là do rối loạn về thận.
Bệnh cần được điều trị lâu dài bằng dược phẩm, bằng chế độ ăn uống thích hợp, giảm muối mặn, vận động cơ thể, giảm béo phì, bớt thuốc lá, tránh stress.
Giảm khả năng Trí Tuệ
Người cao tuổi thường lo ngại sự giảm khả năng trí tuệ nhiều hơn là giảm các chức năng khác.
Giảm Thính Thị Giác
Giảm thính giác : Có tới 30% người trên 65 tuổi và gần 50% người trên 85 tuổi đều cho biết là nghe không còn tốt như vài chục năm về trước.
Rối loạn nghe thường thấy là điếc với âm thanh cao và điếc nhận thức của tuổi già: nghe được từ ngữ mà không nhắc lại hoặc viết ra được từ ngữ đó.
Thị lực thay đổi với tuổi già. Tới tuổi 65 thì khoảng 15% có vấn đề, mà tới 85 tuổi thì số người bị rối loạn thị lực lên tới 28%.
Hầu hết giảm thị lực đều do các bệnh đục thủy tinh thể hoặc cườm mắt (cataracts), tăng nhãn áp (glaucoma), thoái hóa võng mạc (macular degeneration) và biến chứng của bệnh tiểu đường.
Đục thủy tinh thể thấy ở 40% người ngoài 75 tuổi và có thể bị hoặc một mắt hoặc cả đôi bên. Bệnh nhẹ có thể điều chỉnh bằng kính. Nặng thì có thể giải phẫu thay thủy tinh thể.
Cao nhãn áp xẩy ra ở 3% người trên tuổi 65, khiến thị lực giảm đi. Bệnh này rất dễ dàng được phát hiện nếu ta đi bác sĩ khám mắt hàng năm và bệnh chữa được bằng thuốc hoặc giải phẫu với tia Laser.
Thoái hóa võng mạc là nguyên nhân số một đưa tới mù ở người cao tuổi. Thoái hóa có thể là Khô, thường xẩy ra nhưng ít đưa tới mất thị lực; hoặc Ướt, ít xẩy ra nhưng hay gây mù. Điều trị thường ít mang lại kết quả.
Bệnh tiểu đường gây ra rối loạn thị giác cho 3% người cao tuổi, và thị lực càng giảm khi tuổi càng cao. Tiểu đường hủy hoại dây thần kinh và mạch máu trên toàn cơ thể, trong đó có mắt. Rối loạn diễn ra âm thầm, nên bị tiểu đường cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt hàng năm. Phát hiện sớm có thể chữa được bằng tia Laser.
BBT.YHTH