Sơ cứu suy hô hấp do dị vật đường thở ở trẻ

Trong năm vừa qua, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều ca suy hô hấp do dị vật đường thở ở trẻ em và có những ca không cứu được do vào viện đã quá muộn và việc sơ cứu ở cộng đồng không hiệu quả. Việc trang bị cho mình những kĩ năng sơ cứu là rất cần thiết cho các phụ huynh để không bao giờ phải rơi vào trường hợp đáng tiếc. Dưới đây là các kĩ năng sơ cứu cơ bản được hướng dẫn bởi BS. Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

so cuu suy ho hap

Việc sơ cứu cần tiến hành đúng cách, sau khi đã đánh giá tình huống và xác định kiểu ngạt thở của trẻ.

Khi trẻ bị ngạt thở không hoàn toàn: Trẻ vẫn còn tỉnh, có thể khóc, ho, khó thở, thở khò khè, hốt hoảng, vật vã, vẫn nói được.

Tuyệt đối không áp dụng vỗ lưng hoặc đẩy bụng, không móc họng lấy dị vật. Cần trấn an trẻ và khuyến khích trẻ ho nhằm mục đích tống được dị vật ra ngoài. Theo dõi trẻ sát sao và đưa đến cơ sở cấp cứu y tế gần nhất.

Ngạt thở hoàn toàn nhưng vẫn tỉnh, có biểu hiện nắm chặt cổ họng, không khóc được, không ho được, thay đổi màu sắc da (đỏ ửng hoặc xanh).

– Không móc họng trẻ lấy dị vật.

– Tiến hành 5 lần vỗ lưng, 5 lần đẩy ngực (cho trẻ dưới 2 tháng tuổi) và 5 lần đẩy bụng (đối với trẻ đang tập đi hoặc hơn 1 tuổi). Thực hiện luân phiên hai động tác này cho đến khi trẻ khóc, ho và nói được.

Ngạt thở hoàn toàn và bất tỉnh

Đầu tiên, cần kiểm tra miệng trẻ để tìm dị vật, nếu thấy thì lấy ra bằng ngón tay, sau đó ngửa đầu và nâng cằm trẻ nhằm mở đường thở và cần tiến hành hồi sinh tim phổi.

Dưới đây là các kĩ thuật sơ cứu dựa theo độ tuổi của trẻ:

Kỹ thuật sơ cứu cho trẻ dưới 2 tháng tuổi:

– Vỗ lưng (H1): Đặt một tay dưới lưng trẻ, ôm lấy lưng và giữ đầu. Tay còn lại đặt dọc phía trước, nắm chắc lấy hàm. Nhẹ nhàng lật sấp trẻ, tựa tay đặt phía trước trẻ lên đùi, đầu trẻ thấp. Thực hiện 5 lần vỗ lưng tại vị trí giữa hai vai trẻ.

– Đẩy ngực (H2): Đặt một tay dọc và ôm lấy lưng trẻ, đầu trẻ nằm trong bàn tay, nhẹ nhàng lật ngửa trẻ, tay đặt phía trước ép chặt phía trước trẻ. Hạ thấp và tựa tay đỡ lưng trẻ xuống đùi, đầu trẻ thấp. Dùng 2-3 ngón tay đặt lên trung tâm ngực trẻ, đẩy ngực vào trong và lên trên ngực trẻ lõm xuống 3.8cm.

– Cấp cứu hồi sinh tim phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn/ngừng thở (H3): Trùm miệng bạn lên miệng và mũi trẻ. Thổi ngạt nhẹ nhàng 2 lần, mỗi lần kéo dài 1 giây, tạm dừng giữa 2 lần thổi để khí thoát ra.

– Ép ngực 30 lần (H4): Đặt trẻ nằm ngửa, dùng 2-3 ngón tay ấn xuống trung tâm thành ngực sao cho lún 3.8cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép ngực.

Kĩ thuật sơ cứu cho trẻ nhỏ tập đi, trẻ trên 1 tuổi:

– Vỗ lưng (H5): ngồi hoặc đứng sau trẻ, đặt tay chéo qua ngực, nghiêng trẻ ra trước. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần tại vùng giữa hai vai.

– Đẩy bụng (Heimlich – H6): ngồi hoặc đứng sau trẻ, hai tay ôm quanh eo trẻ, nắm một bàn tay và đặt lên bụng (vùng thượng vị), bàn tay kia bọc lấy bàn tay nắm. Đẩy và kéo bụng vào trong và lên trên 5 lần.

Kĩ thuật hồi sinh tim, phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn (H7): Thổi ngạt 2 lần: bóp chặt mũi trẻ, miệng trùm lên miệng trẻ, nhẹ nhàng thổi ngạt 2 lần. Sau đó ép ngực 30 lần: Gót một bàn tay đặt trên xương ức trẻ, gót bàn tay kia đặt lên bàn tay trên xương ức, các ngón của bàn tay đan với nhau. Ép ngực mạnh và nhanh thành ngực lún 5cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên liên tục 2 lần thổi ngạt, 30 lần ép ngực càng lâu càng tốt cho đến khi trẻ tự thở lại.

Kĩ thuật ép ngực ở trẻ em trên 1 tuổi:

Theo BS. Lương Quốc Chính, để tiến hành sơ cứu thành công, cần phải phát hiện đúng loại tắc nghẽn và đánh giá được các tình huống để áp dụng các kĩ thuật phù hợp. Phần lớn những ca tử vong do suy hô hấp đường thở là do không sơ cứu kịp thời, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tim đã ngừng đập.

Thanh Giang

Translate »