Sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn

Theo PGS.TS. Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), những sai lầm trong sơ cứu và những xử trí ban đầu chưa đúng có thể khiến bệnh nhân bị rắn cắn diễn tiến bệnh nặng và tiên lượng xấu hơn.

PGS. TS. Phạm Duệ, mùa hè là mùa rắn đi tìm thức ăn, do đó các ca ngộ độc do bị rắn cắn cũng tăng hơn trong thời gian này. Lời khuyên của bác sĩ đối với người bị rắn cắn là bệnh nhân cần được sơ cứu ngay trước khi vận chuyển đến cơ sở y tế. Mục đích chính của sơ cứu là để làm chậm sự hấp thu của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn, giúp nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc. Mục đích thứ 2 là loại bỏ bớt độc chất được chút nào hay chút ấy.

Đầu tiên cần động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng, không để bệnh nhân chạy nhảy, đi lại làm nọc phát tán nhanh (nhất là trẻ nhỏ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm).

Ngay sau khi bị rắn cắn cần băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung làm chậm quá trình phát tán nọc độc; không garô động mạch. Có thể dùng miệng hút máu vết cắn nhổ đi nhưng nếu tại miệng, răng có tổn thương, nứt môi, viêm chân răng thì lại không được dùng miệng hút). Tiếp đến người bệnh nên nặn, rửa máu dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu với nhiều nước để loại trừ bớt nọc độc. Cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp. Tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị thích hợp.

Kỹ thuật băng ép và bất động với người bị rắn cắn:

Dùng băng chun giãn (loại băng màu hồng, rộng bản và có độ chun giãn tốt có bán ở hiệu thuốc) băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng). Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) cố định chân, tay.

Đối với vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay cần băng ép bàn tay, cẳng tay.

Dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay. Dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân. Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Đối với vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân. Vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ: khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Trong trường hợp không có băng chun thì dùng băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo hoặc dây rừng, dây cao su… nhưng khi đó phải thực hiện garo tĩnh mạch ở trên vết cắn (còn sờ thấy mạch máu đập ở phía dưới garo).

Hạ Hiền (ghi)

Translate »