Nguyên nhân
• Tiếng ồn công nghiệp, tiếng ồn âm nhạc (nhạc rock, nhạc disco, nhạc sàn…). Tiếng ồn phát sinh từ đường xá hoặc ngay trong cộng đồng như âm thanh ồn của máy phát điện, máy móc ở công trường, tiếng cãi lộn, tiếng chửi bới…
Hậu quả
• Tạo sự căng thẳng: Căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến những chứng bệnh thần kinh như trầm cảm hay lo lắng vô cớ, tăng thêm nguy cơ dễ mắc các bệnh ở tim, hệ tuần hoàn.
• Thay đổi thói quen ngủ: Sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, giấc ngủ sẽ không còn sâu và dài như trước, mà bị ngắt quãng mỗi khi có tiếng động lớn. Ở người già, mất ngủ vì tiếng ồn là thủ phạm làm tăng các loại hormone gây stress.
• Giảm hoặc mất thính lực: Tiếng ồn đô thị được xem là tên sát nhân giấu mặt, vì ít ai để ý đến tác hại của nó khiến nhiều người điếc hoặc nghe kém.
• Tác động hệ tim mạch: Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn đưa tới thay đổi chức năng của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản mạch máu ngoại vi.
• Cơ quan nội tiết: Tiếng ồn xí nghiệp làm tăng sản xuất hormone gây stress noradrenaline và adrenaline ở công nhân.
Giải pháp
Đối phó với các nguyên nhân khách quan là ngoài tầm tay của con người. Tuy nhiên, có một vài phương thức để bớt hậu quả ô nhiễm này cho bản thân, cho gia đình như:
• Giảm thiểu tới tối đa sự tiếp xúc với tiếng động.
• Mang vật bảo vệ tai như cục bít tai (earplug) bằng vật liệu mềm.
• Không nên sử dụng động cơ phát ra nhiều tiếng động cùng một lúc.
• Vặn nhỏ âm nhạc trong các máy cá nhân và giới hạn số giờ nghe.
• Bảo vệ trẻ thơ đối với tiếng động quá lớn.
• Tránh âm thanh quá to và quá gần hoặc kéo dài quá lâu.
• Tránh gây ra tiếng động làm ảnh hưởng đến người khác.
• Trồng nhiều cây quanh nhà để vừa đẹp nhà vừa ngăn cách tiếng động.
• Nếu nghi là bị giảm thính giác, đi khám bác sĩ chuyên môn ngay để được đo thính lực và khám bệnh.
Theo báo suckhoedoisong.vn